Lịch sử chiến đấu M1 Abrams

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất

Chiến tranh vùng vịnh lần 1 là nơi đầu tiên thử lửa của xe tăng Abram. Trong cuộc chiến này, với sự hỗ trợ từ không quân, các lữ đoàn hạng nặng trang bị với xe tăng Abram và xe chiến đấu bộ binh Bradley quân đội Mĩ đã có một chiến thắng lớn trên bộ. Chỉ trong 100 giờ đồng hồ, lực lượng trên bộ của Liên quân đứng đầu là Mĩ đã quét sạch quân Iraq ra khỏi đất Kuwait. Trong khi không quân mất 43 ngày không kích với cường độ cao và tiêu diệt 50% lực lượng xe tăng Iraq, các đơn vị thiết giáp Mĩ mất trên 4 ngày để tiêu diệt thêm 25%.

Tổng cộng 1.848 xe tăng M1A1 Abrams đã được triển khai tới Ả-rập Xê-út để tham gia giải phóng Kuwait. Các xe tăng M1A1 Abrams (chế tạo năm 1988) chứng tỏ sự vượt trội hơn so với các xe tăng đời cũ là T-55 và T-62 của Iraq, cũng như T-72M (phiên bản T-72 bị cắt giảm tính năng) nhập khẩu từ Liên Xô và Ba Lan.[15] Các xe tăng T-72M, giống như hầu hết các thiết kế dành cho xuất khẩu của Liên Xô, bị cắt bỏ hệ thống nhìn đêm kiểu cũ và các máy đo xa laser hiện đại (để tránh bị lộ công nghệ). Các xe tăng của Iraq chỉ có các hệ thống nhìn đêm đời cũ bằng đèn hồng ngoại (giống như của T-55 thập niên 1950) hoặc đèn pha (giống như T-34 thập niên 1940). Trong khi đó, M1A1 có khả năng bắn chính xác đối thủ ở phạm vi trên 2.500 mét vào ban ngày và trên 1.500 mét vào ban đêm. Do không có các thiết bị đo xa và kính nhìn đêm hiện đại, phạm vi bắn hiệu quả của các xe tăng của Iraq chỉ chưa tới 2.000 mét vào ban ngày và khoảng 400-500 mét vào ban đêm.. Ngoài ra, xe tăng của Iraq đã trải qua 10 năm chiến tranh với Iran trong điều kiện sa mạc khắc nghiệt, nhiều linh kiện trong xe đã bị hao mòn, độ tin cậy sụt giảm (đặc biệt là nòng pháo đã bị mài mòn đáng kể do bắn quá nhiều lần trong các trận đánh với Iran, khiến độ chính xác của phát bắn bị sụt giảm nghiêm trọng), nhưng do lệnh cấm vận nên Iraq không thể nhập khẩu linh kiện thay thế[16] Điều này có nghĩa là xe tăng của Abrams có thể tấn công xe tăng của Iraq trước khi địch có thể bắn trả - một lợi thế quyết định trong các trận chiến đấu xe tăng kiểu này.

Cùng với đó, địa hình Iraq phần lớn là sa mạc trống trải, nên xe tăng của Iraq rất khó có thể ngụy trang để bất ngờ tập kích đối phương. Thêm vào đó, máy bay của không quân Mỹ thường phát hiện và dội bom phá nát đội hình chiến đấu của xe tăng Iraq, gây thiệt hại nặng trước khi họ kịp giao chiến với xe tăng Mỹ. Với một loạt những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan như vậy, không có gì bất ngờ khi xe tăng của Iraq thất bại trong phần lớn những trận đối đầu với xe tăng của Mỹ.

M1 của Sư đoàn thiết giáp số 3, năm 1991

Lực lượng xe tăng Iraq tuy khá đông về số lượng nhưng phần lớn là các loại xe đã lỗi thời như T-54/55T-62. Lực lượng Iraq chỉ huy động khoảng 300 xe T-72 là loại mới nhất của họ, tuy nhiên đây lại là phiên bản xuất khẩu T-72M bị cắt giảm đáng kể về tính năng (đạn xuyên giáp APFSDS kiểu 3BM-9 của T-72M là loại đạn cũ đã bị Liên Xô loại bỏ từ năm 1973, nó có sức xuyên phá chỉ bằng một nửa so với đạn APFSDS kiểu 3BM-44 của T-72B Liên Xô, vỏ giáp của T-72M cũng chỉ dày bằng 1/2 so với T-72B có trang bị ERA, T-72M cũng không có bộ đo xa laser và khả năng bắn tên lửa chống tăng). Tất cả xe tăng Iraq đều không có các thiết các thiết bị nhìn đêm kiểu mới, hệ thống định tầm laser, máy tính đạn đạo... như T-72B của Liên Xô. Lính tăng Iraq cũng ít kinh nghiệm huấn luyện nên họ không có khả năng tác chiến ở cự ly trên 2.000 mét, vào ban đêm thì xe tăng Iraq thậm chí không thể tác chiến ở cự ly trên 500 mét (trong khi T-72B của Liên Xô có thể tiêu diệt mục tiêu hiệu quả ở cự ly 4.000 mét vào ban ngày và 1.500 mét vào ban đêm). Trong khi đó, M1A1 Abram có thể bắt đầu tác chiến hiệu quả ở cự ly 2.500 mét vào ban ngày và khoảng 2.000 mét vào ban đêm. Ở đất nước có địa hình trống trải như Iraq, mọi xe tăng Iraq đều bị lộ rõ trên sa mạc, lại thêm không quân hỗ trợ trinh sát nên M1 Abrams luôn có thể "thấy trước - bắn trước" xe tăng Iraq, do vậy nó giành chiến thắng trong phần lớn các trận đấu tăng ở đây.

Một trận đấu tăng lớn điển hình là trận chiến 73 Easting. Đây là trận chiến giữa Trung đoàn Kị binh thiết giáp số 2 (2nd Armored Cavalry regiment/ 2nd ACR) của Mĩ với Sư đoàn Tawakalna (vệ binh cộng hoà) của Iraq trên một khu vực sa mạc bình thường. Di chuyển trong một trận bão cát, không có không quân yểm trợ, ACR được lệnh truy tìm và đánh bại các lực lượng đối phương, xác định vị trí và mở rộng tuyến phòng thủ và chuẩn bị cho các đơn vị hạng năng phía sau tấn công. Vào khoảng 4 giờ chiều ngày 26 tháng 2, đại đội đi đầu của ACR, dưới sự chỉ huy của Đại uý H. R McMaster đã tiếp cận với vị trí chính của quân Iraq. Trong trận này, phía Iraq đã chôn ngầm các xe tăng của họ dưới cát, chỉ lộ tháp pháo phía sau một dải đồi cát để phục kích quân Mỹ. Thế nhưng quân Iraq không có bất cứ một đơn vị trinh sát nào được cử đi thám thính, cũng không có các đội cảnh giới. Các lính xe tăng Iraq đã bỏ xe và trốn nắng trong các boong-ke dựng bằng bao cát với nhau. Do đó, khi xe tăng Mỹ tấn công, quân Iraq hoàn toàn bị bất ngờ. Thực hiện tấn công bất ngờ, lực lượng của Macmaster bao gồm 9 xe tăng M1A1 Abram và 12 xe chiến đấu kị binh M3 Bradley sau đó đã tiêu diệt dải phòng thủ của Iraq, bắn trúng 28 xe tăng và 16 xe thiết giáp của Iraq trong vòng 40 phút. Các đơn vị Mĩ theo sau cũng chiến đấu tương tự. Nhiều xe tăng Iraq bị phá hủy khi họ đang cố gắng khởi động máy và quay nòng pháo chứ chưa kịp bắn trả. Trước khi dừng lại để tập hợp lại vào khoảng 5 giờ, 3 đại đội trinh sát Mĩ đã quét sạch một lữ đoàn Vệ binh cộng hoà. Phía Iraq có 85 xe tăng và xe thiết giáp bị phá huỷ, trong khi chỉ có một chiếc Bradley bị trúng đạn, một thành viên tổ lái thiệt mạng (một chiếc khác Bradley bị hạ vì hoả lực Mĩ bắn nhầm). Khoảng 600 lính Iraq bị loại khỏi vòng chiến.

Những cuộc giao tranh khác cũng có kết quả tương tự. Trận chiến Medina Ridge, thực hiện bởi Sư đoàn thiết giáp số 1 và số 3 (Mĩ). gồm 3.000 xe các loại (bao gồm 348 xe M1A1 Abrams) chống lại Lữ đoàn 2 của Sư đoàn Medina Luminous (Iraq) bao gồm khoảng 250 xe tăng (khoảng 1/3 là T-72M, còn lại là Type 69 của Trung Quốc). Trong vòng 40 phút, Mĩ đã tiêu diệt các đơn vị thiết giáp Iraq có mặt, phá hủy 186 xe tăng và xe bọc thép (trong đó 38 xe tăng là do không quân phá hủy) và bắt sống 839 tù binh. Phía Mỹ chỉ bị tổn thất 4 xe M1A1 Abrams, 2 xe thiết giáp Bradley, 4 xe Humvee, 1 máy bay cường kích A-10 Thunderbolt và 2 trực thăng AH-64 Apache bị bắn rơi. Tại Mục tiêu Norfolk (Objective Norfolk), hai tiểu đoàn của Sư đoàn bộ binh số 1(Mĩ) phá huỷ hơn 100 xe thiết giáp của Sư đoàn Twakalna và Sư đoàn thiết giáp số 12 với thiệt hại chỉ có 2 chiếc Bradley do hoả lực địch (thiệt hại tổng cộng là l5 chiếc Abram và 5 Bradley). Trong cuộc chiến Wadi Al Batin, một tiểu đoàn của Sư đoàn thiết giáp số 3 (Mĩ) quét sạch một lữ đoàn Iraq, tiêu diệt hơn 160 xe thiết giáp trong khi chỉ bị thiệt hại 6 xe.

Vào buổi sáng ngày 27 tháng 2, lực lượng Iraq đã bị quét sạch. Quân đoàn VII của Mĩ tuyên bố đã tiêu diệt tổng cộng 1.350 xe tăng Iraq, 1.224 xe thiết giáp, 285 khẩu pháo, 105 hệ thống phòng không và 1.229 xe tải. Về phần mình, Quân đoàn VII thiệt hại 36 xe thiết giáp vì hoả lực đối phương (khoảng 30 chiếc khác bị thiệt hại do bắn nhầm), 47 binh sĩ thiệt mạng và 129 người bị thương.

Trong các sự cố bị bắn nhầm bởi hỏa lực đồng minh, phần giáp phía trước và phần giáp bên hông tháp pháo đã chịu được việc bị bắn trực tiếp đạn APFSDS (viết tắt của Armour Piercing Fin Stabilised Discarding Sabot - tạm dịch là đạn xuyên có guốc giảm cỡ nòng ổn định cánh đuôi) bởi các xe M1 Abram khác. Ngoại trừ trường hợp đối với bộ giáp bên trong thân xe và giáp sau của tháp pháo, vì cả hai khu vực này đều bị thâm nhập ít nhất hai lần bởi các cuộc tấn công không chủ ý bởi đạn uranium nghèo trong trận Norfolk.[17]

Một chiếc M1A1 bị phá hủy tại Iraq, ngày 26/2/1991

Trong cuộc chiến vùng vịnh năm 1991, tổng cộng có 23 chiếc M1A1 đã bị hư hỏng hoặc bị phá hủy trong chiến tranh. Trong số chín chiếc xe tăng Abrams bị phá hủy, bảy chiếc đã bị phá hủy bởi hỏa lực đồng minh bắn nhầm, và hai chiếc đã bị phá huỷ một cách có chủ ý để tránh bị rơi vào tay quân đội Iraq sau khi bị hư hỏng. Một số khác bị thiệt hại nhỏ trong chiến đấu, ít ảnh hưởng đến sự sẵn sàng hoạt động của họ. Rất ít xe tăng M1 đã bị trúng đạn của địch, không có tử vong và chỉ một số ít người bị thương.[18]

Thiệt hại nặng nề nhất đối với một chiếc xe tăng Abram trong cả cuộc chiến có lẽ là của một chiếc Abram trong trận chiến Norfolk vào sáng sớm ngày 27 tháng 2. Chiếc Bumper B-66 bị trúng 3 viên đạn 120mm DU, một viên trúng vào dưới tháp pháo làm cho xạ thủ bị thương (và chết sau đó) khi chiếc B-66 này di chuyển chệch khỏi đại đội (có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bắn nhầm). không có viên đạn nào bắn vào các tấm giáp DU của xe. Ảnh hưởng của viên đạn thứ nhất khiến cho xa trưởng bị văng ra khỏi xe và chịu nhiều mảnh vở vào chân. Người nạp đạn sau đó cố gắng đưa xạ thủ ra khỏi xe thì viên đạn thứ hai trúng tiếp, làm phỏng cả người nạp đạn và lái xe. Người lái xe, bị bao phủ bởi dầu diesel từ bình xăng bị vỡ, vẫn ở trong xe khi các bình khí chữa cháy halon bắt đầu xả. Bị phỏng và gần như bị mù, anh ta chạy ra xa khỏi xe và được chiếc B-23 đón. Chiếc B-66 bắt đầu bốc cháy và phát nổ sau đó. Cũng trong trận chiến Norfolk này, còn có 4 chiếc Abram khác bị trúng đạn của Mĩ nhưng không có thiệt mạng nhân sự, một chiếc bị trúng đạn 120mm DU vào mặt nghiêng thân trước khi xe đang mang lưỡi cày mìn, chiếc còn lại bị trúng đạn 120mm DU vào phần thân trái, một chiếc bị trúng mảnh vỡ của đạn 120mm DU vào sườn, một chiếc bị trúng tên lửa chống tăng(có thể là từ xe Bradley) vào khoang động cơ.

Tuy nhiên, trong ngày 26 trước đó, cũng có một chiếc Abram bị trúng một viên 120mm DU từ phía sau nhưng không có ai bị thương. Một quả tên lửa chống tăng khác cũng bắn vào phía sau tháp pháo chiếc tăng này sau khi tổ lái đã được di tản, khiến cho các túi, ba lô trên máng để hàng bị cháy nhưng không gây ra thiệt hại nào trong tháp pháo. Chiếc xe này sau đó được lực lượng Mĩ thu hồi lại vào ngày 4 tháng 3 năm 1991.[7]

Theo Victor Suvorov, một thành viên cục quân báo Liên Xô về sau đào ngũ sang phương Tây, thì tuy giành thành tích cao trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 nhưng năng lực chiến đấu của M1 đã bị thổi phồng quá mức. Một phần vì quân đội Mỹ có ưu thế về không quân đã giúp lực lượng mặt đất của họ tiêu diệt hiệu quả các vị trí của đối phương. Một phần khác, những vũ khí mà Liên Xô xuất khẩu cho Iraq chỉ là những phiên bản "thấp kém" (monkey model), có chất lượng kém hơn nhiều hàng nội địa. Như những chiếc T-72M mà quân đội Iraq dùng chỉ có vỏ giáp bằng 1/2 phiên bản gốc (T-72A/B) của Liên Xô[19]

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai

Một chiếc M1 bị phá hủy tại Iraq, ngày 6/4/2003 Một chiếc M1 bị phá hủy tại Iraq năm 2003

Trong trận chiến này, xe tăng Abram không có cơ hội tham gia các trận đấu tăng lớn, thay vào đó M1 lại gặp phải lực lượng du kích nổi dậy trang bị vũ khí chống tăng bộ binh như RPG-7[20]. Số lượng M1 bị mất do chiến thuật du kích của quân nổi dậy cao hơn rất nhiều.[21]

Các lực lượng du kích Iraq đã tìm ra điểm yếu của loại tăng này và tấn công vào chúng với các loại bom tự tạo rẻ tiền và dễ chế tạo, cũng như các khẩu RPG-7, RPG-29 có khả năng xuyên giáp phản ứng nổ và giáp hỗn hợp của M1, khiến cho một lượng lớn xe tăng này bị hỏng và phá hủy tiếp sau khi kết thúc cuộc chiến[22][23][24]. Tới khoảng tháng 3 năm 2005, tức là sau 2 năm, đã có 17 xe tăng Abram bị phá hủy hoàn toàn và 63 xe khác bị hỏng nặng do hoả lực đối phương, chủ yếu bởi mìn và súng chống tăng cá nhân (RPG-7). Tới tháng 3 năm 2006, tức là sau 3 năm, đã có trên 100 xe tăng M1 bị phá huỷ hoàn toàn, hơn 530 chiếc khác bị hư hại nặng và phải đưa trở về nhà máy ở Mỹ để sửa chữa (trung bình cứ 2 ngày lại có 1 chiếc M1 Abrams bị hỏng nặng, 10 ngày thì có 1 chiếc bị phá hủy).[25]

Cuộc chiến lần 2 đã đánh dấu lần đầu tiên có thiệt mạng trong xe tăng Abram do hoả lực đối phương. Trận đánh đột kích của Mỹ vào sân bay Baghdad, Iraq năm 2003 bị thất bại đã chứng tỏ, M1 Abram vẫn có nhiều điểm dễ bị tổn thương trước súng chống tăng, ngay cả với loại đời cũ như RPG-7[20]. M1 Abram không hề có giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng vệ chủ động, lớp giáp hợp kim uranium thì chỉ có ở mặt trước xe, do đó lớp giáp 2 bên hông xe khá mỏng, súng chống tăng đời cũ vẫn đủ sức bắn hạ nó nếu nhắm vào hông xe. Có một số chiếc M1 Abrams đã bị bộ binh Iraq dùng RPG-7 bắn vào hông, gây kích nổ khoang đạn hoặc làm cháy thùng nhiên liệu, khiến xe bị phá hủy hoàn toàn[21].

Cũng trong cuộc chiến này, đã có 1 chiếc M1 bị vô hiệu hóa do bị bắn cháy động cơ bởi đạn AP cỡ 25mm bắn nhầm từ 1 chiếc xe thiết giáp M2 Bradley.[10]

Ngày 29 tháng 10 năm 2003, một chiếc Abram đã trúng một khối mìn chống tăng được tăng cường với chất nổ (khoảng 500 kg, bao gồm nhiều viên đạn 155mm). Quả mìn nổ dưới xe này khiến 2 thành viên tổ lái thiệt mạng, làm bị thương người thứ 3 và bật tháp pháo. Ngày 25 tháng 12 năm 2005, một chiếc M1A1 bị vô hiệu hoá bởi một quả mìn nổ lõm tự chế. Quả mìn này đâm xuyên qua một bánh đi đường và đâm vào khoang nhiên liệu khiến xe bị cháy gần trung tâm Baghdad. Một thành viên tổ lái thiệt mạng. Ngày 4 tháng 4 năm 2005, 2 thành viên tổ lái thiệt mạng khi một quả mìn tự chế nổ gần xe của họ. Một chiếc tăng khác của lực lượng lính thuỷ đánh bộ cũng bị rơi xuống sông Euphrates khi đang băng qua cầu. Cây cầu bị sập làm 4 lính thuỷ chết đuối.[7]

Một số xe tăng của Abrams không thể tiếp tục chiến đấu do mất khả năng di chuyển hoặc do các tình huống khác đã bị phá hủy bởi chính các lực lượng đồng minh, thông thường là của các xe tăng Abrams khác, để ngăn chặn việc những chiếc xe này rơi vào tay kẻ thù.[26]. M1 Abrams cũng cho thấy tính dễ bị tổn thương khi chiến đấu trong môi trường đô thị kín. Một số xe tăng Abrams đã bị lính bộ binh Iraq vô hiệu hóa bởi các cuộc phục kích trong cuộc chiến. Một số binh lính đã sử dụng tên lửa chống tăng trong tầm bắn ngắn và bắn vào xích xe, phía sau xe và trên nóc xe. Những chiếc xe tăng khác đã bị bốc cháy động cơ khi nhiên liệu dễ cháy được lưu trữ phía sau tháp pháo đã bị bắn trúng bởi hỏa lực đối phương, bốc cháy và đổ vào khoang động cơ.[27][28]. Dù vậy phần lớn các xe tăng Abrams bị hư hại sau cuộc xâm lược Iraq là do các thiết bị nổ IED gây ra.[29].

Động cơ turbine của M1 cũng tỏ ra dễ bị hư hỏng trong điều kiện sa mạc tại Iraq: riêng trong năm 2007, khoảng 1.400 bộ động cơ của M1 đã bị hư hỏng và phải gửi về Mỹ để đại tu[25]

Một chiếc M1 bị phá hủy sau một trận đọ súng tại Iraq năm 2006

Sự xuất hiện của súng chống tăng kiểu mới RPG-29 trong tay quân nổi dậy đã tạo ra nguy cơ lớn đối với M1. Năm 2008, hãng tin New York Times tiết lộ, một chiếc M1A2 của Thủy quân lục chiến Mỹ tại Iraq đã bị tiêu diệt bởi một khẩu RPG-29.[30] Năm 2011, tài liệu mật của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ cho biết thêm: ngày 05 tháng 8 năm 2007, một phát bắn từ RPG-29 đánh trúng 1 chiếc M1 Abrams ở phía sau thân xe khiến 3 lính tăng bị thương. Ngày 05 tháng 9 năm 2007, một phát RPG-29 bắn trúng mặt bên tháp pháo của một chiếc xe tăng M1 Abrams ở Baghdad, khiến 2 lính tăng chết và 1 bị thương, các xe tăng trúng đạn đều bị hư hại nghiêm trọng.

Từ năm 2010 đến năm 2012, Hoa Kỳ đã cung cấp 146 xe tăng M1A1 Abrams được tân trang lại cho Iraq. Năm 2014, lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) đã mở chiến dịch tấn công tại Iraq và chỉ sau 3 tháng đã chiếm một nửa Iraq. Quân đội Iraq có trong tay 146 chiếc M1A1 Abram (phiên bản cải tiến từ M1A1) trang bị cho 6 tiểu đoàn xe tăng, nhưng lực lượng xe tăng này đã bị phá hủy hàng loạt do kỹ năng chiến đấu thấp của các tổ lái Iraq, cũng như khả năng phòng vệ kém của xe[31]. Các xe tăng M1A1 của Iraq không có giáp uranium, không có giáp phản ứng nổ ERA (Explosive Reactive Armor) và cũng không có bảo vệ bổ sung chống lại các tên lửa chống tăng. Sau nửa năm chiến đấu, đến cuối năm 2014, quân đội Iraq chỉ còn lại 40 chiếc M1 Abrams có thể sử dụng[32] Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông qua việc bán 175 chiếc M1 Abrams khác cho Iraq để thay thế cho số xe tăng bị mất[33][34][35]

Kết quả chiến đấu kém của xe tăng M1 Abrams đã gây ra nỗi thất vọng lớn cho lục quân Iraq. Hàng trăm xe tăng được Mỹ tự phong là "số 1 thế giới" đã bị thiêu trụi ở khắp các chiến trường ở Trung Đông, mà lại bởi các vũ khí chống tăng đời cũ của Liên Xô/Nga. Trước những thành công của xe tăng T-90 do Nga chế tạo tại mặt trận Syria, Iraq đã quyết định chuyển sang mua xe tăng của Nga[36] Năm 2017, Iraq đã mua khoảng 200 xe tăng T-90MS để tăng cường cho lục quân nước này.

Các cuộc xung đột khác

Năm 2015, quân đội Ả Rập Saudi cũng sử dụng nhiều chiếc M1 để tấn công lực lượng HouthiYemen, nhưng chiến dịch đã thất bại. Quân đội Ả Rập Saudi có trong tay 440 chiếc M1 Abrams, tất cả đã được nâng cấp lên phiên bản M1A2S[37], theo nhà sản xuất thì M1A2S là phiên bản hiện đại hóa, áp dụng các công nghệ của phiên bản M1A2 SEP hiện đại mà quân đội Mỹ sử dụng[38][39]), tức là có bao gồm cả lớp giáp hợp kim uranium. Tuy nhiên, nhiều chiếc M1A2S đã bị phá hủy bởi quân Houthi ở Yemen. M1A2 chỉ có lớp giáp hợp kim uranium ở mặt trước xe, do đó nếu bị bắn vào 2 bên hông thì xe vẫn rất khó sống sót. Nhiều chiếc M1A2S đã bị phá hủy bởi quân Houthi ở Yemen, trong đó có những chiếc đã bị quân Houthi bắn hạ bởi những loại vũ khí chống tăng từ thời Liên Xô cũ như 9K111 Fagot (AT-4 Spigot)[40]. Không rõ số lượng tổn thất cụ thể, nhưng đến tháng 8/2016, Ả Rập Saudi đã mua thêm 153 chiếc M1 Abrams, 20 chiếc trong số đó để thay thế cho những xe bị mất khi chiến đấu[41]

Trong khi xe tăng T-90A của Nga trang bị cho Quân đội Syria an toàn trước tên lửa chống tăng BGM-71 TOW (phiên bản TOW-2A) do Mỹ sản xuất[42] thì M1 Abrams lại bị phá hủy hàng loạt bởi tên lửa chống tăng. Khi tên lửa chống tăng đánh trúng chiếc xe tăng M1 Abrams, đạn dược trong xe bị kích nổ đã tạo nên vụ nổ khủng khiếp phá hủy hoàn toàn chiếc xe tăng[43][44].

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc xe tăng M1 Abrams dễ dàng bị bắn hạ hàng loạt ở Iraq và Yemen là do kỹ năng thấp của các binh sĩ nước này cũng như khả năng phòng vệ kém của bản thân M1 Abrams: Xe không có các thiết bị phòng thủ chủ động như loại T-90 của Nga, lớp giáp hợp kim uranium thì chỉ có ở mặt trước xe, cũng không có giáp phản ứng nổ để bảo vệ sườn xe, do đó giáp hông của M1 Abrams là khá yếu. Tháp pháo lớn và dài do khoang chứa đạn ở sau tháp pháo đã trở thành điểm yếu chết người của M1 Abrams: lớp giáp ở đây khá mỏng, trong khi kích thước lại lớn khiến xe dễ bị nhắm bắn[44][45]. Có những trường hợp M1 Abram bị bắn trúng sườn tháp pháo, khiến cơ số đạn trong khoang chứa đạn bị kích nổ kinh hoàng, cơ hội sống sót của kíp xe trong tình huống này gần như không còn[9].

Chuyên gia quân sự Nga Andrei Koshkin cho rằng: "Hoạt động quảng bá và truyền thông mạnh mẽ của phương Tây đã thổi phồng năng lực thực tế của M1 Abrams, nhưng thực tế chiến đấu trên chiến trường có sức thuyết phục còn lớn hơn. Thực tế cho thấy M1 Abrams đã nhiều lần bị bắn cháy bằng súng phóng lựu hoặc tên lửa chống tăng được phát triển từ những năm 1970, trong khi đã có những chiếc T-90 của Nga trúng vài phát đạn vũ khí chống tăng nhưng vẫn sống sót và kíp điều khiển không hề hấn gì. Điều này khiến nhiều quốc gia Trung Đông như Iraq, Kuwait... không tiếp tục mua M1 mà chuyển sang mua xe tăng T-90 của Nga. Theo báo Quân đội nhân dân, Andrei Koshkin cho rằng: "Mỹ luôn quảng cáo xe tăng M1 Abrams là dòng xe tăng hiệu quả tác chiến nhất thế giới, nhưng thực tế chiến trường mấy năm trở lại đây tại Iraq đã chỉ ra, xe tăng Mỹ dễ tổn thương và hiệu quả tác chiến thấp. Chính thực tế chiến trường đã chứng minh xe tăng Nga (T-90) có hiệu quả hơn hẳn xe tăng của các quốc gia khác. Điều này cũng giải thích tại sao xe tăng Nga đang được rất nhiều quốc gia Cận Đông quan tâm và đặt mua"[46].

Theo Tạp chí quốc phòng thế giới (Global Security), kết quả chiến trường đã cho thấy M1 Abrams kém hơn nhiều trong việc bảo vệ chống lại tên lửa chống tăng so với xe tăng T-90 của Nga, khi mà chiếc M1 Abrams của Ả rập Saudi đã bị phá hủy bởi lực lượng dân quân Houthi ở Yemen bằng tên lửa lỗi thời như 9K111 Fagot[47].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: M1 Abrams http://www.anao.gov.au/director/publications/audit... http://www.army-technology.com/projects/abrams/ http://www.army-technology.com/projects/abrams/ind... http://armyrecognition.com/june_2015_global_defens... http://www.armytimes.com/story.php?f=1-292925-2348... http://www.datviet.com/khoanh-khac-xe-tang-m1-my-t... http://www.defense-update.com/products/m/M1A1AIM.h... http://www.defense-update.com/products/m/M1A2SEP.h... http://www.defense-update.com/products/t/tusk.htm http://www.defenseindustrydaily.com/2006/08/the-20...